Khái niệm Board game được du nhập vào Việt Nam vào những năm gần đây. Thế nhưng mọi người ít ai để ý rằng ông bà ta ngày xưa đã biết giết thời gian bằng Board game nhưng “Thuần Việt” hơn, đó chính là những trò chơi dân gian. Vậy ta hãy cùng điểm qua những trò chơi quen thuộc và tự hào mua về, để lên tủ game của mình nha!
1. Cờ Ô Quan:
Một trò chơi phổ biến khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam, hẳn người già, trẻ nhỏ nào cũng đã từng chơi qua. Theo Wikipedia, “…nó được lấy cảm hứng từ những cánh đồng lúa nước ở Việt Nam…”. Cờ Ô Quan không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á đến tận Bắc Phi, tuy tên gọi khác nhau nhưng luật chơi đều thuộc dòng Mancala. Hiện nay, Ô Ăn Quan không chỉ chơi được 2 người mà đã upgrade lên phiên bản 3-4 người, tha hồ mà chơi!
2. Tổ Tôm:
Là một loại card game phổ biến ở Bắc Bộ Việt Nam, đây là trò chơi được các ông, các chú chơi rất nhiều vào dịp lễ, Tết. Cách chơi hơi khó nên cần có một bộ Tổ Tôm và người đã có kinh nghiệm chỉ dẫn nếu muốn chơi Tổ Tôm. Bộ bài gồm 120 quân, với 3 pho Vạn-Văn-Sách và cách chơi độc đáo đã khiến đây là trò chơi dân gian rất Thuần Việt; để ra bài thì cần có 3 quân bài theo những tụ nhất định, nên hay còn gọi là Tụ Tam. Và điều đặc biệt hơn, Hô hát Bài Chòi ở Trung Bộ dựa trên hình thức artwork và cách chia tụ giống với Tổ Tôm.
3. Cờ Gánh:
Một hình ảnh quen thuộc nhưng đặc biệt ở Việt Nam đó là chiếc quang gánh. Do đó, dựa theo ý tưởng “một giữa gánh hai bên”, người xưa đã nghĩ ra trò Cờ Gánh bằng việc quân mình sẽ chen giữa 2 quân và ăn quân của đối thủ. Đây là dạng game Duel thuần túy nên chỉ có 2 người chơi mỗi lượt; và điểm đặc biệt là do quân cờ có 2 màu ở 2 mặt, nên khi ăn thì mình chỉ lật màu lại, nếu trên bàn cờ chỉ còn màu bên nào thì bên đó thắng, đây là một trò chơi phải vừa công vừa thủ. Với luật chơi dễ hiểu, có thể set up dễ dàng, Cờ Gánh đã trở nên phổ biến rộng rãi với trẻ em Việt Nam.
4. Tứ Sắc:
Tổ Tôm là một card game Thuần Việt ở Bắc Bộ thì Tứ Sắc là trò chơi của người dân Trung và Nam Bộ. Tứ Sắc là một bộ bài cỡ nhỏ vừa tay, có 112 lá chia đều thành 7 đạo (Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã và Tốt) và 4 màu (Trắng, Đỏ, Vàng và Xanh). Khác với Tổ Tôm, Tứ Sắc không có hình ảnh mà chủ yếu dùng chữ Nho để phân biệt. Để chiến thắng duy chỉ có 1 người, không phân chia nhì-ba-bét, “Được ăn cả, ngã về không”. Và cũng như Tổ Tôm, để chơi rành mạch chiếc card game này thì cũng cần những người kỳ cựu chỉ dẫn. Chơi Tứ Sắc ngoài hiểu được tư duy của người xưa, ta còn biết được chữ Nho, như các chữ trên quân Cờ Tướng.
Commenti